NGHỊ ĐỊNH 70/2025/NĐ-CP: BẮT BUỘC ÁP DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ KHỞI TẠO TỪ MÁY TÍNH TIỀN

 

Từ ngày 01/6/2025, theo quy định mới tại Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP, một số nhóm đối tượng kinh doanh sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Đây là bước tiến quan trọng nhằm hiện đại hóa hệ thống hóa đơn, nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động thương mại, dịch vụ.

Những đối tượng bắt buộc phải áp dụng

Cụ thể, theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP, các trường hợp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền bao gồm:

  1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên, theo quy định tại khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 của Luật Quản lý thuế 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện cơ giới khác) cũng thuộc diện bắt buộc.
  2. Ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn.
  3. Dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí, chiếu phim.
  4. Các dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Các đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền

Nội dung của hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Theo quy định tại Điều 11 mới được sửa đổi, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền phải có đầy đủ các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
  • Thông tin người mua (nếu có yêu cầu): tên, địa chỉ, mã số thuế/số định danh cá nhân/số điện thoại;
  • Chi tiết hàng hóa, dịch vụ: tên, đơn giá, số lượng, tổng giá thanh toán. Nếu người bán kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, phải thể hiện rõ giá chưa thuế, thuế suất, tiền thuế GTGT và tổng tiền có thuế;
  • Thời điểm lập hóa đơn;
  • Mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn.

Hóa đơn được gửi tới người mua qua email, tin nhắn, hoặc mã QR, đường dẫn truy cập điện tử để người mua tra cứu, tải hóa đơn điện tử.

Một số nguyên tắc đáng lưu ý

  • Hóa đơn in từ máy tính tiền phải nhận biết được là hóa đơn đã kết nối và truyền dữ liệu đến cơ quan thuế.
  • Không bắt buộc có chữ ký số trên hóa đơn.
  • Các khoản chi có sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền (hoặc bản sao, hoặc thông tin tra cứu từ Cổng thông tin Tổng cục Thuế) được xem là chi phí hợp lệ khi xác định nghĩa vụ thuế.

Quy trình xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Tăng cường quản lý, minh bạch hóa giao dịch

Việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sẽ giúp cơ quan thuế theo dõi và kiểm soát giao dịch trong thời gian thực, giảm thiểu tình trạng gian lận thuế, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

Các hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên cần nhanh chóng rà soát, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật từ ngày 01/6/2025.

(Nguồn:https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/tu-0162025-phai-su-dung-hoa-don-dien-tu-khoi-tao-tu-may-tinh-tien-trong-nhung-truong-hop-nao-14648)

Bài trước Bài sau